Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

Thỏ bông hay chuột tai dài

Bắt chước mẹ Tôm đan thỏ bông cho Bim chơi, mất 2 ngày để đan, nhưng hình như thỏ bông này giống chuột hơn :)). Thế thì gọi là chuột tai dài vậy.
Nhưng nghe chừng Bim chả thích thú bông lắm, mặc dù khi nhồi bông, mẹ hắn đã cho thêm vài quả chuông kêu leng keng vào rồi. Thế thì mẹ càng đỡ phải đan móc thú bông cho Bim nhỉ?

Hắn nhặt thỏ
Photobucket

Giơ lên

Photobucket

Nhưng chỉ một tẹo là chán ngay.
Photobucket

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2009

Bim ăn cơm

Chuyện dạy dỗ Bim theo ý rất rất khó vì ở cùng ông bà, bất cứ lúc nào ông bà cũng ca bài ca muôn thủa: Ngày xưa tao nuôi chúng mày..., và mẹ Bim thì cãi luôn miệng, may mà là ông bà ngoại, chứ không thì nguy to.
Chuyện ăn uống của Bim cũng không nằm ngoài đề tài chiến tranh muôn thủa trong nhà, mẹ hắn đã nghiên cứu đủ các loại thông tin, xem đủ các diễn đàn thì được biết trẻ con Việt Nam quá được chiều chuộng dẫn tới một bệnh hiện giờ là không biết nhai, chỉ ăn được cháo mà không ăn cơm, cho cháo vào là nuốt chửng, cơm thì nhai 1 giờ được 2 thìa, khiến cơ hàm không phát triển, chán ăn, còi xương, suy dinh dưỡng....
Thế nên mẹ hắn tập cho hắn ăn thô từng chút một, có điều hắn rất dở, thỉnh thoảng bị trớ, nên mẹ bị "chửi" rất nhiều lần, qua bao nhiêu gian nan (kể công tí) cuối cùng hắn đã không phụ lòng mẹ, cách đây 3 ngày, hắn đã tự động bỏ cháo hạt chuyển sang ăn cơm, dù chỉ có 4 cái răng cửa, hắn nhai rất hăng rồi nuốt, thế là bây giờ mâm cơm của cả nhà có thêm bát của Cả Đùn.
Hắn rất thích ăn cùng cả nhà, khi vào bữa cơm, hắn ăn hăng hái hơn là phải ăn một mình, thích ăn món gì trong mâm là hắn chỉ, tuy nhiên chỉ đáp ứng nhu cầu của hắn được một phần, vì có nhiều món hắn chưa ăn được. Hắn cũng chưa ăn được nhiều, bữa nào ngon miệng thì hắn chơi hơn nửa bát cơm, bữa nào chán thì hắn chỉ làm vài miếng. Cuối cùng mẹ hắn vẫn rất hài lòng vì 11 tháng rưỡi hắn đã đạt được mục tiêu của mẹ.
Mọi người đừng sợ hắn đau dạ dày nhá, cơm nấu cho hắn vẫn hơi nát nát, và nếu không nhai thì dịch vị không tiết ra, thì còn có nguy cơ đau dạ dày cao hơn cơ đấy.
Không biết tiến trình ăn uống của bạn Tí Toét thế nào rồi nhỉ? Bim cũng đang cố ăn theo "Ăn dặm kiểu Nhựt" đấy, hy vọng sẽ không bị thụt lùi so với TT nhé!

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2009

Áo móc hai dây

Áo này hơi bị s.e.x.y, chắc khi nào đi biển mới có cơ hội mặc, mà năm nay Bim nhỏ vậy thì chờ sang năm vậy.

"Canh" mặc rộng quá!

Photobucket
Mai sẽ có mẫu thật diện, chụp rồi mà chồng mang máy ảnh đi mất.

Mẫu thật ra mắt.

Photobucket


Photobucket

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2009

Bìm Bím Bim 11 tháng

Chả mấy chốc mà Bim Bim sẽ tròn 1 tuổi, nhanh thật, vèo cái đã 11 tháng, thế này càng tạo thêm động lực cho mẹ lên kế hoạch cho tập 2, tập 3... hehe.
Xem 11 tháng hắn đã biết những gì rồi nào.
- Đầu tiên là răng lợi: Tháng trước mẹ hắn cứ tưởng hắn mọc 2 cái răng cửa hàm trên, khoe ầm ĩ, ai ngờ hắn chỉ mọc 1 răng, từ tháng trước tới giờ vẫn ...3 răng, thỉnh thoảng mẹ hắn thò tay vào mồm hắn kiểm tra, hắn cười khúc khích và cắn cắn tay mẹ, hy vọng đến tháng này hắn sẽ mọc tiếp cái răng mẹ khoe sớm kia.
- Hắn khá nhát gan, đứng được khá lâu rồi mà chưa đi được mấy, lúc hắn đứng vịn vào đâu đấy mà có người ngồi đằng sau là hắn đi ào mấy bước lại ôm chầm lấy, cười toe toét, còn nếu không có ai là hắn buông tay, từ từ ... ngồi xuống.Photobucket
- Hắn học hỏi khá nhanh, dậy hắn cái gì rất dễ, chỉ vài lần là hắn nhớ, điển hình hắn biết vẫy tay chào khi ba mẹ đi làm, vẫy tay (lại vẫy tay) miệng cười và chân nhún nhảy khi ba mẹ đi làm về.
- Hắn biết hoan hô khá thành thạo, chỉ cần mẹ hát bài "Hoan hô chú bộ đội" là hắn hoan hô kêu tét tét.
- Hắn biết chơi "chi chi chành chành", cho luôn bài đồng dao vào đây cho đỡ quên "Chi chi chành chành, cái đanh thổi lửa, con ngựa chết trương, ba vương ngũ đế, cưỡi dế đi tìm"
- Chiều nào hắn cũng xuống sân chơi, ở đấy có rất nhiều bọn trẻ con đít xanh như hắn, hắn hơi bị giữ của, khi có bạn nào đi xe của hắn là lập tức hắn bươn tới đòi lại, phải giải thích là chỉ cho bạn mượn hắn mới tạm nguôi đi.
- Hắn được các chị gái rất yêu quý, có hôm mẹ hắn bế hắn ngồi dưới sân chơi, một chị 3 tuổi kéo hắn ra khỏi mẹ ôm chầm lấy hắn hôn tới tấp, mặt hắn cứ nghệt ra trông đến tội. May cho hắn là lúc đấy mẹ không mang máy ảnh, không thì đã có quả ảnh có thể bị mẹ hắn tống tiền khi hắn lớn.
- Hắn rất thích cắn, tuy chỉ có 3 răng mà cắn đau đáo để, buổi tối bò trèo lên người mẹ tranh thủ cắn phát vào đùi, mẹ hắn kêu ré lên là dịp hắn thích thú toét miệng cười. Nói chung cả nhà đều là nạn nhân cuả cái thói thích cắn này của hắn, nhưng được cái hắn hơi bị biết điều khi tuti mẹ lại rất ngoan, từ khi mọc răng chưa mẹ lần nào.
- Hắn rất bướng bỉnh và hay ăn vạ, hắn đang chơi cái gì (không được phép) mà lấy ra là hắn sẽ kêu lên, hoặc òa khóc nức nở (có nước mắt hẳn hoi), hôm qua hắn đang ngậm cái quạt, ba hắn lấy ra mà hắn khóc òa, ba phải bế lên dỗ, khi gần nín ông mở cửa vào hỏi là hắn lại òa lên tiếp, ghê lắm cái khoản ăn vạ của hắn.
- Rất "cá tính" trong chuyện ăn uống, khi nào hắn thích thì há miệng ăn tom tóp, còn không thích thì nhất định đố ai cho ăn được, hắn mím môi, quay mặt đi ngay.
- Bây giờ mẹ hắn đã cho hắn uống thêm sữa ngoài, được cái hắn bú bình luôn, chả lạ gì cả, nhiều lúc hứng lên mẹ hắn còn cho hắn tu luôn sữa, hắn khá là thích khoản tu này, ít bị rớt sữa ra ngoài, và khi nào hắn chán là lập tức cắn cái cốc để có tiếng lanh canh răng hắn va vào cốc.
- Chân hắn vào loại to khủng (chân nông dân giống mẹ), hôm nọ mẹ hắn mua cho hắn đôi dép tập đi (chỉ có 1 cỡ này), hắn hớn hở, hắn đi được vài hôm thì chật, đến nỗi chân phồng cả lên, may mà chị Tôm cho hắn thừa kế đôi dép hồng của chị, thế là từ đấy hắn đi ổn định trong đôi dép mới.Photobucket
- Hắn rất thích "nghiên cứu" linh tinh, cứ có gì lạ là hắn nhào tới, và đây là đang nghiên cứu điện thoại của mẹ với ba.Photobucket
- Hắn mê ti mẹ lắm, tối nào cũng phải tuti mới ngủ được, hắn có biệt tài là tuti bất kỳ tư thế nào, đang bò mà ngang qua ti mẹ, hắn cũng cúi xuống làm vài hớp, nhiều khi trông rất thương, mẹ tự hỏi chẳng biết khi nào cai sữa được cho hắn đây.
- Hắn biết tự quạt, kể cả khi không nóng, đấy là hắn bắt chước ông đấy.PhotobucketPhotobucket
- Hắn chăm chú đọc sách và thỉnh thoảng chỉ vào sách, nhưng mẹ hắn phát hiện ra là hắn toàn chỉ linh tinh, hỏi quả cà chua lại chỉ vào quả dưa chuột, nhưng hắn rất thích chỉ, chỉ ra cả vết bẩn trên sàn nhà, haha, thì ra hắn soi mẹ lau nhà chưa sạch.Photobucket
- Dạo này hắn hay đưa đồ cho mọi người, cầm quyển sách đưa cho ba, khi đưa hắn kêu "Hư", như kiểu "ba ơi, sách này", cầm quạt cũng "hư" đưa bà, nói chung cứ hứng lên là hắn "hư", yêu cực kỳ.
- Hắn rất thích bám vào xe tập đi như thế này, nhưng phải có người dắt cơ, khi nào hắn mới biết đi vững nhỉ?
Photobucket

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2009

Chân vịt viền

Theo yêu cầu của vài chị em, em up ảnh chân vịt viền lên nhé!
Chân vịt viền cho máy gia đình và máy công nghiệp đúng là khác nhau rất nhiều
Đây là cho máy gia đình.
Photobucket
Còn đây là của máy công nghiệp.
Photobucket
Chân vịt của máy gia đình khi viền thì phải mất 1 đoạn đầu tiên không viền được, thế nên hơi bất tiện nếu viền tay áo hay khăn chẳng hạn, còn nếu viền bèo thì nên cắt dư bèo ra một chút. Còn chân vịt của máy công nghiệp thì khỏi phải bàn, viền ngay từ chỗ đầu tiên cho vào, có điều khi viền thì viền thử ra ngoài một chút, để xác định độ viền to nhỏ ưng ý đã nhá!
Ah, cuốn đầu vải cong cong theo độ cong của chân vịt, và cứ thế là cho máy chạy thôi, đầu ra là một sản phẩm viền hoàn hảo.

Túi móc trắng (2)

Vẫn còn thừa sợi trắng nên tiếp tục móc túi nào.
Túi này móc nhanh, mỗi tội là phải đếm đúng số mũi lúc bắt đầu, móc y chang chart luôn.
Túi này chỉ đẹp khi được đựng nhiều, đặc biệt là nhiều ... tiền.
Chắc sau cái túi này, cơn nghiện móc túi của mình được thỏa mãn (cứ như kẻ trộm móc túi í nhở ?)
Photobucket

Quần âu ngố

PhotobucketMình định làm bài may cụ thể, nhưng hình vẽ lại để ở chỗ học may, thôi, cho chi tiết may lên rồi post hình và cách vẽ hình sau vậy.
Sau khi cắt xong, cắt đến phần phụ may, đầu tiên là cắt túi trước, có thể khoét túi hàm ếch giống quần bò, hoặc đơn giản là túi mổ miệng túi cao bằng cạp luôn, chú ý lót túi bằng vải mềm cho đỡ cộm.

Photobucket
Phần đáp túi, cắt bằng vải quần (là phần nhìn thấy ở miệng túi)

Photobucket
Cách may túi:
- Vắt sổ đáp túi rồi may vào 1 miếng lót.
- May 2 đáy miếng lót túi lại với nhau rồi vắt sổ chập 2 lần vải lót túi.
- May lót túi vào phần hàm ếch rồi lộn như thế này

Photobucket
- May dính cả túi vào thân bên hông

Sau đó đến phần may khoá:
- May phần dưới moi, may 1 đoạn như thế này, may lại 2 lần cho chắc.
Photobucket- Là moi như thế này.
Photobucket- Cắt 1 miếng đỡ moi hình chữ nhật, vải đôi, kích thước khoảng 4 x 13 cm, vắt sổ chập đôi luôn.
- Ráp khoá bình thường, sau khi ráp xong phải như thế này
(Cái miếng vải đằng sau khóa chính là miếng đỡ moi đấy ạ)
Photobucket
Sau đó đến phần cạp, phải là mếch vào để đỡ bai, chú ý cạp càng trễ thì phần cạp càng phải cong, độ cao cạp tuỳ ý (như mình là 3cm), chia thành 2 miếng cạp, chiều dài cạp bằng 1/2 eo + 10cm (để chừa may cho thoải mái, lúc may chỗ đầu cúc cài còn phải lộn lại).
- Cắt phần phụ cạp rộng hơn cạp chính 1cm theo đường cong ngoài.Photobucket
- May và là cạp như thế nàyPhotobucket.
- May cạp vào quần, chú ý may từ phần mông ra dần đằng trước
- Đo lại vòng bụng để không rộng, không chật, nếu rộng quá có thể thêm 2 ly 2 bên hông, ly rộng 2 cm, dài 8cm.
- Nếu vẫn còn rộng quá, vẽ lại đường may, như cái quần trên phải vẽ lại thế này
Photobucket
Sau khi may xong đường thẳng mông thì mới viền cạp lại.
Nếu thích túi thì cho thêm 2 cái túi nhé!
- Cắt túi, chừa may 3cm cho miệng túi, 1cm cho các cạnh còn lại, là cứng.
- Vẽ hình túi lên quần để khi may đỡ bị lệch, ráp túi thành thế này
Photobucket
Quần này vẫn chưa có con đỉa và thùa khuyết, phần này dễ, có thể nhớ và tự làm được

Túi may đầu tiên

Chỉ là túi đơn giản để đựng đồ cho Bim khi đi chơi gần, đỡ phải dùng balô của ba. Vì mẹ thích hoa lá cành nên con trai cũng phải dùng hoa lá cành giống mẹ.
May rất đơn giản, chỉ vài đường thẳng là xong, cái túi này hy vọng sẽ là khởi động cho một loạt túi may mẹ đang ao ước.
Photobucket

Túi móc trắng

Túi móc bằng sợi chỉ dù, được nhờ mua cách đây ...3 năm, đúng là lười quá thể.
Móc khá nhanh (đấy là đối với mình, chẳng thể nào ví bằng chị Kiwi được), chỉ có 3 ngày là xong, tranh thủ vừa trông con ngủ vừa móc. Định may lót túi nhưng một số bạn bảo để nguyên đẹp hơn, hì, thế là để nguyên, đỡ mất công may lót túi (thực ra cũng hơi ngại).
Túi trắng này phải giữ cẩn thận, khéo Bim nghịch thì chẳng mấy mà thành màu cháo lòng.
(Hơi bị mờ vì em chụp bằng điện thoại, máy ảnh chồng cho mượn mãi chẳng mang về)


Photobucket

Áo móc cam

Áo này em móc lâu lắm, móc từ hồi còn đang lạnh, may mà cũng xong để mặc hè.
Móc bằng sợ cotton mua ở Lương Văn Can, móc không được trơn tay lắm, nhưng mà mát, đặc biệt mát khi không mặc áo 2 dây giống manơcanh, hehe.
Nhà em toàn đực rựa nên những đồ handmade toàn được ưu tiên cho ... em.



Photobucket

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Áo tay bồng váy xòe tung tóe

Lần này may có kỹ thuật hơi khó, đó là may áo tay bồng và váy xoè tung toé.
Áo cổ đơn giản, lười viền cổ nên cho luôn miếng đăng ten làm sẵn. Riêng tay lại có nhiều kỹ thuật nhất, vì may tay bồng nên phải cắt to hơn bình thường, nếu đường chéo bình thường chỉ có 20, thì nay cho lên 22 hoặc 23, còn lại cắt như cũ. Viền tay bằng chân vịt viền, viền kiểu này thích cực, chỉ 2, 3 lần là viền được đều tăm tắp (hồi mới học mình ngưỡng mộ sao lại chạy được đường chỉ đều đến thế, hoá ra là có kỹ thuật riêng). Sau đó đến đoạn chun tay, chạy bằng chỉ chun (chỉ suốt quấn chỉ chun, chú ý là nới ốc con suốt ra vì chỉ chun to hơn chỉ thường, nếu may chuyên thì có một con suốt chuyên chạy chỉ chun đỡ phải nới ra nới vào và thử lại). Lúc ráp tay bồng thì như ráp nhún bình thường, kỹ thuật may áo chỉ có thế.
Mình thích kiểu váy xoè tung toé, điệu mà, váy này cắt xéo vải, đầu tiên cũng vẽ 1 cái váy cơ bản, sau đó xoè dần ra, chú ý phần mông và hông xoè ít để ôm, các đoạn váy phải bằng nhau, như chị LMX nói như là 2 cái quạt nối vào nhau, kiểu này cũng đơn giản, không có gì nói nhiều trừ phần may khoá giọt lệ.
Kết quả đê
Photobucket
Tiền vải chỉ hết có 30k, mặc ở nhà mát cực, đẹp cực chồng khen nức nở
Lần sau học đến bài gì, ghi vào đây cho đỡ quên.